Posted on / Tin giáo dục

Đề án Ngoại ngữ Quốc gia 2020: Trung thực, thực chất, lấy chất lượng làm đầu

GD&T;Đ) – Đề án Ngoại ngữ Quốc gia 2020 về đổi mới toàn diện dạy và học Ngoại ngữ trong hệ thống quốc dân đã đi được 1/3 chặng đường. Những vấn đề nảy sinh từ thực tiễn được trao đổi, bàn bạc tại Hội nghị Giao ban công tác triển khai thực hiện Đề án giai đoạn 2011 – 2013 tổ chức hôm nay (11/12) tại Đại học Đà Nẵng.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển và Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Thị Minh chủ trì Hội nghịSự xoay chiều nhận thức

“Thời gian thực hiện Đề án còn dài nhưng nếu không tạo nên một cuộc cách mạng về tiếng Anh mang tính đột phá trong nhà trường thì sức ỳ rất lớn từ một bộ phận viên chức ngại đổi mới”.

PGS.TS Phan Quang Thế – Hiệu trưởng Trường ĐH Kỹ thuật Công nghiệp (ĐH Thái Nguyên).

Theo TS Vũ Tú Anh – Phó trưởng Ban Thường trực Đề án, Đề án Ngoại ngữ quốc gia 2020 đã được triển khai rộng khắp tại các trường đại học và các địa phương cả nước, cơ bản tạo sự chuyển biến trong nhận thức xã hội về ý nghĩa, tầm quan trọng của ngoại ngữ với chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam, giữa bối cảnh hội nhập quốc tế. Đề án đã giúp Việt Nam tăng 12 bậc trong thang xếp hạng về trình độ tiếng Anh quốc tế, vượt qua cả Nga, Ý, Trung Quốc và Đài Loan…

PGS.TS Trần Văn Nam – Giám đốc ĐH Đà Nẵng khẳng định: Trong 3 năm qua, Đề án 2020 đã thổi một luồng gió mới vào hệ thống nhà trường. Trường Đại học Ngoại Ngữ (ĐH Đà Nẵng), 1 trong 3 trường ĐH chuyên ngữ trên toàn quốc, đơn vị đầu tiên vận hành tích cực triển khai Đề án là một minh chứng. Việc học ngoại ngữ của các trường thành viên ở cả các khối Sư phạm, Kỹ thuật, Kinh tế…đã dấy lên thành phong trào mạnh mẽ. Cùng đó là CSVC được tăng cường mạnh mẽ theo hướng hiện đại, tiếp cận với thế giới.

Tuy nhiên, theo PGS.TS Phan Văn Hòa – Hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại ngữ (ĐH Đà Nẵng), rào cản lớn nhất mà Đề án phải vượt qua là thay đổi được nhận thức của đội ngũ CBQL, GV nhằm thay đổi thực trạng trì trệ về chất lượng ngoại ngữ trong nhiều năm. Từ đó để họ tự giác tham gia khảo sát, đánh giá, duy trì liên tục việc bồi dưỡng, tập huấn…có hướng phát triển, nâng cao năng lực bản thân.

Ý kiến phát biểu của PGS.TS Phan Quang Thế – Hiệu trưởng Trường ĐH Kỹ thuật Công nghiệp (ĐH Thái Nguyên) cũng rất đáng lưu ý: Đảng ủy, Ban giám hiệu nhà trường xác định thời gian thực hiện Đề án còn dài nhưng nếu không tạo nên một cuộc cách mạng về tiếng Anh mang tính đột phá trong nhà trường thì sức ỳ rất lớn từ một bộ phận viên chức ngại đổi mới. Vì vậy mà những tư tưởng chiến lược đã được nhà trường phổ biến, truyền đạt trong 2 năm 2012 – 2013.

Đánh giá sát thực trạng đơn vị mình, lãnh đạo Sở GD&ĐT Nghệ An cho rằng mặc dù trình độ GV ngoại ngữ của tỉnh còn nhiều hạn chế, nhưng Đề án ban hành là động lực lớn đối với tinh thần thái độ của đội ngũ giáo viên. Việc triển khai các hoạt động của Đề án nhận được sự quan tâm và ủng hộ của các cơ quan, ban ngành địa phương và các đơn vị trực thuộc…

Là một cơ sở không đào tạo chuyên ngữ nhưng tham gia đào tạo giáo viên ngoại ngữ, PGS.TS Nguyễn Hồng Anh – Hiệu trưởng Trường ĐH Quy Nhơn – cũng đánh giá cao hiệu ứng tích cực mà Đề án mang lại, đó là làm thay đổi nhận thức, nâng cao chất lượng đào tạo của nhà trường.

Năng lực thực tế – vấn đề then chốt

Tại Hội nghị, hơn 20 ý kiến trao đổi, thảo luận đều tập trung ở những vướng mắc, hạn chế trong quá trình triển khai Đề án, nhất ở khâu đào tạo bồi dưỡng đội ngũ giáo viên, giảng viên về tiếng Anh đạt chuẩn.

Lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nam cho rằng, vướng mắc về kinh phí có thể giải quyết được nhưng hạn chế về năng lực đội ngũ GV là vấn đề cấp bách và lâu dài cần phải khắc phục.

PGS.TS Trần Quang Hải – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại Ngữ (ĐH Đà Nẵng) – đề cập đến nhiều giải pháp về bồi dưỡng năng lực đội ngũ đáp ứng được các yêu cầu về chuẩn quốc tế ở các kỹ năng Nghe, Nói, Đọc, Viết.

Nhằm xúc tiến hiệu quả hơn hoạt động của Đề án, Bộ GD&ĐT chủ trương trong những năm tiếp theo tiếp tục rà soát năng lực tiếng Anh cho đội ngũ GV các cấp học theo hướng thực hành giao tiếp, ứng dụng CNTT chất lượng hơn; đảm bảo tiến độ, chất lượng biên soạn và triển khai chương trình, SGK tiếng Anh 10 năm; chú trọng công tác hợp tác quốc tế và đổi mới các phương pháp giảng dạy; tăng cường đầu tư trang thiết bị, phần mềm và các nguồn học liệu mở về tiếng Anh ở các hệ thống trường lớp đào tạo…

Việc xây dựng các trung tâm kiểm tra đánh giá ngoại ngữ, các mô hình đổi mới trong đào tạo và khảo thí chất lượng tiếng Anh ở các cấp học, bộ công cụ giám sát triển khai đề án cùng những cơ chế chính sách khác như truyền thông hợp tác, định biên nguồn nhân lực giảng dạy… sẽ được đầu tư kỹ lưỡng và tích cực hơn.

Ở góc độ tài chính, lãnh đạo Sở Tài chính Hà Nội và Sở Tài chính Tuyên Quang cùng chung nhận định: Nhờ có sự thống nhất cao, phối hợp tốt giữa 2 Bộ GD&ĐT và Bộ Tài chính để có giải ngân đúng nên phía cơ sở không vướng mắc nhiều về tài chính.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Thị Minh cho biết: Đây là Đề án sử dụng đồng tiền tốt, hiệu quả thể hiện qua một số kết quả, nâng được năng lực thực tế của GV lên; tạo chất lượng tốt cho HS; thực hiện những vấn đề lớn của Đề án đúng hướng… Những liên hệ đến vấn đề kinh phí với các tổ chức nước ngoài, liên kết với nước ngoài, có một số nơi còn lúng túng, hai Bộ sẽ tìm cách tháo gỡ.

Bên cạnh đó, Đề án còn phải xử lý những vấn đề nội tại như việc dạy học và thi, kiểm tra tiếng Anh phổ thông còn bất cập; chưa có chương trình đào tạo giáo viên, cử nhân ngoại ngữ chuyên ngành; thiếu điều kiện kết hợp truyền thông hợp tác quốc tế về xây dựng các chương trình khảo thí, học liệu…; nhiều môn ngoại ngữ ở các cấp bậc học…

Chỉ đạo của Bộ trưởng Phạm Vũ Luận tại  Hội nghị

Từ tinh thần Nghị quyết về Đổi mới căn bản toàn diện GD&ĐT, lấy đội ngũ nhà giáo làm trung tâm, phương châm chung của Đề án là trung thực, thực chất, lấy chất lượng làm đầu. Vấn đề thời gian, giải ngân cần có lộ trình, có mục tiêu cụ thể của từng giai đoạn, từng năm, để sau năm 2020 từng địa phương, địa bàn vẫn tiếp tục hoàn thiện.

Cần sớm hoàn thiện xây dựng chương trình, SGK, tránh tình trạng không đồng nhất; Mở các trung tâm kiểm định không chạy theo số lượng mà phải thận trọng, cân nhắc; Quan tâm công tác tự kiểm tra, giám sát và công tác giám sát kiểm tra chất lượng bồi dưỡng ngoại ngữ ở các cấp học.

Chú ý vai trò chủ động, phối hợp giữa các đơn vị trong đào tạo bồi dưỡng GV, trong mua sắm trang thiết bị, công tác thi, kiểm tra, đánh giá. Đặc biệt cần tôn trọng nguyện vọng của học sinh và các bậc phụ huynh, học ngoại ngữ nào chắc ngoại ngữ đó và ngoại ngữ nào cũng quan trọng.

Trích nguồn: http://www. gdtd.vn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *