Posted on / Tin giáo dục

Xin đừng đánh mất niềm tin

Mấy ngày nghỉ cuối tuần, anh M để ý thấy vẻ mặt đứa con trai út 18 tuổi có vẻ như rầu rĩ, bực bội điều gì. Nghĩ hay con đã vướng vào chuyện riêng tư, bạn bè giận dỗi nhau, anh chỉ lặng lẽ theo dõi mà không nói ra. Anh mở máy, vào Facebook của con thì bắt gặp tâm sự: “Một giáo viên thể dục giỏi có tiếng như ba mình chắc khó mà chấp nhận để rồi chi tiền ra cho một việc phi lý như thế. Hay là bọn mình lên xin thầy cho qua nhỉ?”.
Tối hôm ấy, khi đã lên giường nằm cạnh con trai, anh M mới dò hỏi xem chuyện gì đã xảy ra. Con trai anh mới thú thật là học kỳ một vừa qua đã bị thiếu điểm môn thể dục.

Anh M giật mình! Nếu nói là thiếu điểm môn nào thì anh có thể tin được. Con trai anh vốn to khỏe, có thể lực, lại là con nhà nòi thể dục thể thao, ba năm ở bậc học THPT đều có số điểm tổng kết môn cao gần nhất lớp thì quả đây là chuyện lạ. Nhưng với bản tính cẩn thận, anh vẫn chất vấn con một thôi một hồi: Có phải là con coi thường thể dục hay không? Hay là con bị vi phạm nghỉ quá số buổi nên thiếu? Chắc con nhớ là dù ở phổ thông hay đại học, bất cứ môn học nào được đánh giá bằng điểm thì đều phải coi trọng chứ?

Cậu con trai bị ba dồn vào chân tường thì chỉ biết nói: Thì ba cứ lên trên trường mà hỏi thầy T, giáo viên khoa Giáo dục thể chất, năm sau sẽ về hưu ấy là ai cũng biết “tiếng tăm”. Có phải mình con thiếu điểm đâu. Mà thầy ấy dạy một lúc 6 lớp, cũng có dòm mặt đứa nào đâu nên biết con là ai. Cứ đứa nào không có tên trong danh sách nộp tiền bồi dưỡng cho thầy khi chuẩn bị thi kiểm tra hết môn là đều bị thiếu điểm cả.

Bán tín bán nghi, anh Minh mới gọi điện tới một số người quen đang công tác ở Khoa BC trường của con để hỏi thì họ cười ậm ừ cho qua chuyện, thay vì thú nhận rằng “có đấy”. Anh lại gọi điện tới cậu học sinh lớp trưởng và một vài bạn học cùng lớp của con để truy khéo. Cuối cùng thì anh đã rõ nguồn cơn sự việc và chắc chắn cậu con trai bị thiếu điểm oan môn thể dục ngay từ học kỳ 1 của năm học đầu tiên ở đại học.

“Thầy giáo dạy thể dục ở đại học mà muốn cho ai thiếu điểm thì dễ lắm bác ạ. Chẳng hạn như môn Nhảy cao nằm nghiêng gồm 4 giai đoạn nhưng lên lớp dạy lý thuyết thầy giảng sơ sơ; phần làm mẫu để thực hành cũng diễn ra rất nhanh, khó theo dõi hết. Thầy bảo tự học là chính. Đến khi kiểm tra thầy trừ điểm động tác nào chúng cháu cũng khó mà biết được. Hay như môn Nhảy xa tính từ chân tới ván, ngã ngồi xuống phải chống tay ra sau, thầy muốn đánh hỏng thì bảo “chỉ tính đến tay em thôi là 3m7”, thay vì tính từ điểm tiếp giáp bàn chân là 4,3. Ở bài kiểm tra môn Đẩy tạ, lẽ ra cháu được 5 điểm thực hành rồi. Thầy liếc vào danh sách nộp tiền bồi dưỡng không thấy có tên cháu, liền hỏi tiếp tên kỹ thuật của môn là gì, cháu không kịp nhớ, nên trả lời: Môn “đẩy tạ hướng ném”, thay vì phải nói đầy đủ là: “Kỹ thuật đẩy tạ kiểu lưng hướng ném”, thế là thầy trừ của cháu mất 2 điểm”.

Được hỏi chạm đúng mạch, cậu bạn học của con trai tôi nói thao thao bất tuyệt như chưa bao giờ được cởi bỏ nỗi niềm. Tôi hỏi lại cháu: “Thế cả lớp có cả thảy bao nhiêu bạn nộp tiền?” Thì cháu bảo: Lúc đầu chỉ có 17 bạn nộp thôi. Mỗi bạn nộp 100.000 đồng. Lớp trưởng nộp phong bì kèm danh sách lên, thưa thầy rằng: Chúng em có chút đỉnh bồi dưỡng cho thầy. Sau thấy thiếu điểm nhiều quá thì thêm một số bạn khác tự tìm thầy nộp tiền như thế nào thì em không biết. Nhưng vừa rồi học sinh các khóa còn nợ điểm thể dục của thầy phải xếp hàng đăng ký học lại trong hè đông lắm!”

Nghe tới đây, tôi liền trách cứ: “Thế là tại các cháu xử hư cho thầy chứ có phải thầy chủ động đòi hỏi đâu”. Cậu bạn cùng lớp con trai tôi bướng bỉnh cãi lại: Thế là bác không biết rồi! Thầy T với một cô nữa tên là L khiến bao nhiêu khóa trước ra trường kêu ca, rồi truyền đạt lại “kinh nghiệm” cho khóa sau. Nên học sinh lớp cháu mới khổ như thế chứ. Đang sợ năm sau lại học trúng thầy T nữa thì “toi”!

Tôi đem toàn bộ câu chuyện xót xa trên đây để phản ánh với một cán bộ của trường đại học có ông thầy tên là T nọ, thì chỉ nhận được cái lắc đầu ngao ngán: “Nghe lời bàn tán của học sinh thì trước đây nhà trường cũng có đôi ba lần góp ý. Khổ nỗi học sinh không dám có đơn thư ghi cụ thể nên rồi lãnh đạo không có căn cứ. Với lại ông ấy sắp về hưu rồi nên thôi đành cho qua!”

Trong đời làm giáo viên của mình, có lẽ chưa bao giờ tôi thấy buồn về chuyện nghề như sau khi nghe câu chuyện trên đây? Liệu có cả thảy bao nhiêu học sinh sẽ bị đánh cắp niềm tin về một ông thầy như thầy T, giáo viên dạy Thể dục nọ? Rất mong lãnh đạo các trường kiểm soát chặt chẽ việc thực hiện nề nếp dạy học, kiểm tra, đánh giá môn thể dục theo đúng quy chế chuyên môn của Bộ GD&ĐT, để không còn thực trạng nêu trên.

Hồng Châm – gdtd.vn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *