Những mấu chốt không thể thiếu
Menu
Chương trình cần gắn với thực tế
Bên cạnh những ưu điểm, chương trình môn GDCD hiện nay vẫn còn những hạn chế.
Th.S Vũ Đình Bảy – Trường ĐHSP Huế – chỉ ra rằng, mục tiêu chương trình GDCD hiện hành chưa thiết thực, phổ thông và sát với thực tế, chưa làm nổi bật được bản sắc, nhiệm vụ và sứ mệnh đặc thù của môn GDCD ở nhà trường phổ thông. Cùng đó, những nội dung giáo dục về lòng yêu nước, giáo dục bổn phận của người công dân trước tổ quốc, truyền thống, phong tục, tập quán tốt đẹp của quê hương, đất nước còn bị xem nhẹ. Không những thế, chương trình còn mang tính hàn lâm, nhiều bài học xa rời thực tế, chưa cần thiết và không phù hợp với đối tượng, trình độ nhận thức của học sinh phổ thông.
Th.S Bảy dẫn chứng, nhiều bài học có nội dung chung chung như: Đạo đức và kỷ luật, Nhà nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (GDCD 7); Dân chủ và kỷ luật, Bảo vệ hòa bình, Lý tưởng sống của thanh niên, Trách nhiệm của thanh niên trong sự nghiệp CNH, HĐH đất nước (GDCD 9)…
Chương trình cũng chưa thực sự cô đọng, tinh giản, vẫn còn nặng về truyền thụ kiến thức, chưa có sự cân đối giữa lý thuyết và thực hành. Thời lượng chương trình dành cho các tiết học liên hệ với địa phương không khả thi và chưa hiệu quả…
Theo PGS.TS Nguyễn Đình Tường – Viện Triết học – qua các điều tra cho thấy, phần lớn học sinh cho rằng môn GDCD khó hiểu. Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là do khối lượng kiến thức của môn học quá nhiều, thời gian học tập ít, một số nội dung của môn học còn trừu tượng, sách giáo khoa môn GDCD còn nhiều bất cập. Phần lớn nặng về lý thuyết, nhẹ về ứng dụng, thực hành, nội dung còn chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN trong bối cảnh quốc tế hóa, cũng như sự phát triển của khoa học công nghệ hiện đại.
Nội dung chương trình môn GDCD đang quá tải đối với hầu hết các học sinh lớp 10, 11 và lớp 12, đặc biệt là khối lớp 10 hiện nay. Nhiều giáo viên nhận xét phần công dân với việc hình thành thế giới quan, phương pháp luận khoa học còn trừu tượng, khó hiểu đối với HS khối 10 mới 15 – 16 tuổi.
Mặt khác, công tác kiểm tra, đôn đốc của nhà trường đối với việc kiểm tra, đánh giá kết quả học tập môn GDCD của HS mới chỉ chú ý đến thời gian, tiến độ. Chính vì vậy, giáo viên giảng dạy môn này thường vội vã trong việc kiểm tra, chấm bài, vào điểm của mấy trăm học sinh. Thêm vào đó, môn GDCD không có lịch kiểm tra học kỳ chung nên thời điểm kiểm tra do giáo viên giảng dạy tự thu xếp, dẫn tới không có sự thống nhất giữa các lớp trong cùng khối về nhiều mặt như thời điểm, cách thức, phương pháp, kiểm tra đánh giá…
Để việc dạy và học GDCD trong thời gian tới đạt hiệu quả như mong muốn cần phải đổi mới nội dung, chương trình, sách giáo khoa hiện hành, đổi mới phương pháp dạy học theo hướng gắn với thực tế cuộc sống, hướng dẫn học sinh vận dụng kiến thức đã học để xử lý, giải quyết các tình huống các vấn đề trong cuộc sống. Hơn nữa, cần có những giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng giáo viên GDCD tại các trường, khoa sư phạm…
Giáo viên – Yếu tố quan trọng để nâng cao chất lượng dạy học
Trong những năm qua, công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên GDCD về số lượng tuy có nhiều tiến bộ nhưng về cơ bản vẫn thiếu nhiều giáo viên GDCD được đào tạo đúng chuyên ngành, đặc biệt ở cấp THCS. Quá nửa số GV GDCD hiện nay đang là giáo viên dạy chéo môn và được đào tạo ghép môn (57%). Số giáo viên có nhu cầu được đào tạo nâng cao trình độ (cử nhân, thạc sĩ) còn rất thấp. Đa số giáo viên chỉ có nhu cầu được bồi dưỡng thường xuyên (71,76%).
Thực tế cũng cho thấy, năng lực chuyên môn của đội ngũ giáo viên GDCD còn nhiều bất cập, hạn chế. Các giáo viên tuổi nghề còn ít, vốn sống chưa nhiều, chưa có kinh nghiệm giảng dạy, chưa đủ thời gian tích lũy kiến thức chuyên môn và xã hội. Từ đó, việc truyền thụ kiến thức đến học sinh còn thiết sót, nhất là ở phần liên hệ với cuộc sống, thực tiễn coi nhẹ việc giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống và kỹ năng sống cho học sinh.
Phương pháp giảng dạy môn GDCD của giáo viên gần như không có sự đổi mới, vẫn chủ yếu sử dụng phương pháp truyền thống là đọc – chép, độc thoại một chiều, kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin trong dạy học còn yếu… Đây là những nguyên nhân căn bản dẫn tới học sinh bị hạn chế tính chủ động, tích cực trong tiếp thu tri thức, thậm chí thờ ơ, chán nản với môn học. Môn GDCD luôn bị học sinh đánh giá là thiếu sức hấp dẫn.
Vấn đề kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học sinh cũng chưa được đổi mới thường xuyên. Kỹ năng soạn câu hỏi trắc nghiệm của hầu hết giáo viên chưa thành thạo, từ đó dẫn đến chất lượng kiểm tra bằng phương pháp này không cao. Đặc biệt, vẫn có tình trạng giáo viên giảng dạy môn GDCD còn thiếu nhiệt tình và tâm huyết với nghề. Điều đó ngăn cản sự quan tâm, tìm hiểu của giáo viên về cá nhân học sinh như: sở thích, năng lực, hứng thú, phương pháp học tập…
Rõ ràng, môn GDCD trong trường phổ thông là môn học giữ vị trí quan trọng trong việc giúp học sinh hình thành những phẩm chất và năng lực cần thiết của người công dân trong thời đại mới. Vì vậy, vai trò của người giáo viên GDCD càng quan trọng. Để nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên GDCD, phát huy vai trò của đội ngũ này trong công cuộc đổi mới giáo dục ở nước ta hiện nay, cần phải trên cơ sở bám sát những năng lực này, đặc biệt là năng lực dạy học và năng lực giáo dục…