Posted on / Tin giáo dục

Bộ trưởng Giáo dục nói về tâm thư của học trò gửi tới Phó thủ tướng

Trong chương trình “Dân hỏi Bộ trưởng trả lời” Bộ trưởng Bộ GD&DT; Phạm Vũ Luận đã trực tiếp nói lên suy nghĩ của mình về bức thư của em Phan Hưng Duy.

Duy đã nói đúng thực trạng

Thông qua Báo Giáo dục Việt Nam, em Phan Hưng Duy học sinh lớp 12 ở Trung tâm giáo dục thường xuyên huyện Châu Đốc, tỉnh An Giang đã gửi tâm thư tới Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và các lãnh đạo ngành giáo dục.

Trong thư em Duy không ngần ngại nêu thẳng vấn đề dẫn đến việc học lệch hiện nay là “Chính Bộ GD&ĐT đã độc quyền sách giáo khoa, đã tạo ra một bộ sách giáo khoa với 3 điều khó, khó hiểu, khó để tự học và khó để vận dụng vào đời sống thực tế. Chính bộ sách “3 khó” này và kỳ thi 3 chung phân ban đã đẩy học sinh vào xu thế phải học lệch để tối ưu hóa cơ hội đỗ ĐH, chấp nhận từ bỏ niềm vui khi khám phá tìm tòi tri thức”.

Nhận định về ý kiến này, ông Phạm Vũ Luận cho biết, đây là nhận định đúng của các học sinh. Theo ông Luận, chương trình và sách giáo khoa mà chúng ta đang sử dụng được thiết kế và biên soạn theo tư duy chú trọng truyền thụ kiến thức và khi truyền đạt như vậy thì tiêu chí đưa vào chương trình giảng dạy ở bậc phổ thông là do vị trí, tầm quan trọng, mức độ phát triển của khoa học quyết định.

Cũng theo đó với sự bùng nổ của những thành tựu khoa học công nghệ, sẽ dồn từ bậc học cao như từ đào tạo tiến sỹ trở xuống dẫn đến các chương trình dạy và học ở phổ thông được tăng cường.

“Cũng do cách thức thiết kế sách giáo khoa theo từng lĩnh vực khoa học, làm cho kiến thức dạy và học trong trường phổ thông mang tính hàn lâm và không gần cuộc sống. Khi đó, việc không dễ hiểu và không tự học là chuyện bình thường. Do vậy, hạn chế tính sáng tạo, tự học của học sinh” ông Luận thừa nhận.

Cũng theo lãnh đạo cao nhất ngành giáo dục, trong quá trình chuẩn bị Đề án để Trung ương ban hành Nghị quyết 29, Bộ GD&ĐT cũng đã phân tích rất kỹ hạn chế trên và đi đến quyết định chiến lược là chuyển đến nền giáo dục chú trọng năng lực và phẩm chất, kiến thức, tri thức và việc truyền thụ tri thức cho học sinh được coi là nhiệm vụ số 1. Việc truyền thụ đó là mục tiêu trung gian, thậm chí coi là công cụ để các học sinh từng bước củng cố và nâng cao kỹ năng phẩm chất trong quá trình phát triển thành con người mới.

Xử lý thế nào với thí sinh trượt đại học muốn thi lại năm tới?

Nói thêm về phân ban khối thi và “3 chung” (chung đề, chung đợt, chung kết quả xét tuyển), ông Luận cho biết cách đây 40 năm ông cũng đi thi đại học cũng đã thi theo khối và số lượng các khối thi lúc đó chưa nhiều như bây giờ và được duy trì đến nay, có sự thay đổi là khối thi tăng lên.

Ông Luận cho rằng khi chúng ta thi theo khối sẽ dẫn đến học sinh học theo ưu tiên các môn.

Còn lý do để có “ba chung” vì từ thực tế thi theo khối do các trường học tự lo dẫn đến tình trạng bức xúc trong xã hội, Bộ GD&ĐT đã quyết định thay vì từng trường ra đề theo khối thì Bộ ra đề thi và chung trường, chung đợt, điều đó theo ông Phạm Vũ Luận sẽ giúp cho các trường có điều kiện tập trung hoạt động chuyên môn.

“Nếu chúng ta không thay đổi thì không phù hợp với tình hình thực tiễn trong nước và tình hình hội nhập với thế giới, chúng tôi đang tính toán phương án thay đổi phương thức thi cử nói chung, trong đấy có thi tuyển sinh” ông Luận bày tỏ.

Trước những băn khoăn của xã hội rằng năm 2015 sẽ bỏ thi đại học, trong khi học sinh từ bậc THCS đều được học theo định hướng các khối A, B, C, D, do đó học lệch là không thể tránh khỏi, và việc đổi mới toàn diện liệu có làm cho học sinh “đứt gánh giữa đường”?

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận nhận định, các ý kiến của xã hội trước bất kỳ sự thay đổi nào, đặc biệt ở lĩnh vực giáo dục đều khác nhau, trái chiều có và đều đúng cả.

“Quan điểm của Bộ GD&ĐT là phải thay đổi, nhưng có lộ trình và không đột ngột, không gây khó cho các cháu, không gây khó cho xã hội và làm từng bước, căn bản. Việc này chúng tôi đã triển khai và trong quá trình chỉ đạo dạy và học đã yêu cầu giảm tải, thay đổi nội dung, đặc biệt là cách thức thi kiểm tra trong quá trình học của các cháu, trên cơ sở chuẩn bị chu đáo như vậy thì việc thi tốt nghiệp THPT trong năm 2014 vừa rồi đã có sự thay đổi lớn” ông Luận cho hay.

Trước những băn khoăn của học sinh dự thi đại học năm nay không đỗ nguyện vọng 1 vào trường dự thi, năm 2015 muốn thi lại nhưng trước những đổi mới thi cử của Bộ GD&ĐT, đặc biệt có thể sẽ không thi đại học vào năm tới. Vậy các em muốn thi lại sẽ phải làm gì?

Ông Phạm Vũ Luận khẳng định, tất cả những thay đổi trong quá trình dạy và học kiểm tra đánh giá thi cử trong năm học đặc biệt sự thay đổi trong kỳ thi tốt nghiệp và kỳ thi đại học đều phải tính toán đến lợi ích của học sinh.

“Tôi đảm bảo rằng, những ưu việt của kỳ thi tuyển sinh vừa qua sẽ được bảo lưu và những đổi mới của kỳ thi tới đây cũng theo lộ trình là các cháu sẽ thuận lợi hơn” ông Luận khẳng định.

Không nên tích hợp

Sau khi bức thư gửi Phó thủ tướng Vũ Đức Đam của mình được đăng tải trên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, mới đây chúng tôi tiếp tục nhận được đóng góp chia sẻ của em Phan Hưng Duy về phương án thi quốc gia.

Theo Duy, các phương án không nên thi tích hợp. Thứ nhất, kiến thức các em học ở cấp ba khác rất xa kiến thức của một em học sinh tiểu học. Đó là lí do các em học sinh tiểu học có một quyển sách “Tự nhiên và xã hội” với những vấn đề từ cuộc sống để trình bày, giải thích bằng các kiến thức tổng hợp từ Vật lí, Hoá học, Sinh học. Nhưng sự tích hợp như thế chỉ hợp lí với những kiến thức sơ cấp, mang tính thường thức đối với các em nhỏ nhiều hơn là kiến thức có tính quy chuẩn, hàn lâm mà các em học sinh cấp ba đang học.

Thứ hai, học sinh cần được đánh giá toàn diện để xét tốt nghiệp, nhưng điều đó không có nghĩa là chúng ta nên tích hợp các môn thi. Cụ thể, thay vì kiểm tra kiến thức, khả năng vận dụng kiến thức bằng việc tích hợp nhiều môn thành một bài thi, thì ta nên “tích hợp” tất cả kiến thức phổ thông mà các em học sinh đã được học trong suốt 12 năm vào …một bài viết luận.

“Bộ Giáo dục và các trường nên sớm công bố đề án tuyển sinh riêng, càng sớm càng tốt để các bạn học sinh, thầy cô giáo và phụ huynh có thời gian chuẩn bị. Bộ Giáo dục cũng như tất cả thầy cô giáo, học sinh, phụ huynh (dư luận) hãy đồng lòng chấp nhận những con số “không đẹp” về tỷ lệ đỗ trong kỳ thi sắp tới. Nghĩa là, những phương thức “trục vớt” thí sinh như xét bổ sung điểm trung bình môn năm 12 không nên tiếp tục áp dụng. Chúng ta không thể thay đổi được gì nếu chúng ta cứ cầu toàn, nhút nhát và sĩ diện”  – Duy bày tỏ.

(Nguồn: giaoduc.net.vn)

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *