Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển nói về sự bất cập trong lĩnh vực sư phạm
Đừng đòi hỏi nhiều về chất lượng, nếu…!
“Cách đánh giá học sinh hiện nay cần thay đổi, cách đây gần 40 năm tôi được đánh giá thế nào thì bây giờ học sinh của tôi vẫn được đánh giá như vậy, lạc hậu vô cùng”.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển thừa nhận như vậy khi nói về chương trình đào tạo sư phạm, cụ thể hơn là cách đánh giá học sinh hiện nay ở các trường phổ thông.
Chia sẻ tại Hội nghị hướng tới xã hội học tập và hỗ trợ chất lượng dạy học ở Việt Nam, một lần nữa GS Trần Xuân Nhĩ, nguyên là Thứ trưởng Bộ GD&ĐT có ý kiến bằng cách đặt thẳng câu hỏi cho Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển rằng: Làm thế nào để cho học sinh có chất lượng?
Quan điểm và cách nhìn vấn đề từ thực tế xã hội hiện nay, GS Trần Xuân Nhĩ thẳng thắn cho rằng để hệ thống giáo dục Việt Nam có chất lượng chúng ta nên rút ngắn lại quá trình học phổ thông của học sinh còn 11 năm. Việc học sinh học tới 12 năm phổ thông là một sự lãng phí, ngoài lãng phí ra chúng ta cũng phải thay đổi cách đánh giá học sinh (thay đổi cách thi cử hiện nay), còn nếu không thì…?
“Đối với học sinh học 11 năm, thời gian đó là đủ kiến thức để cho các em bước vào đời, còn hệ thống cơ sở 9 năm nên phân hóa thành các hướng để cho học sinh xác định được năng lực, sở trường của mình để đi theo con đường đã chọn như học tiếp lên ĐH, CĐ hay vào trường nghề… Phải đổi mới từ hệ thống tới chương trình và phương pháp rồi mới tới học sinh”. GS Trần Xuân Nhĩ nêu quan điểm.
Theo nhìn nhận của GS Trần Xuân Nhĩ, hiện nay đội ngũ giáo viên của chúng ta đang dư thừa, nhưng cũng có người cho rằng thiếu. Thiếu ở đây theo quan điểm của GS Nhĩ là do quy định của chúng ta hiện hành.
Ngoài ra, hệ thống đào tạo giáo viên của chúng ta hiện nay đang rất bất cập (đó là các trường Sư phạm), trước tình hình mới, trước thời kỳ mới phải làm sao đào tạo được hệ thống giáo viên đáp ứng được yêu cầu của thế kỷ XIX mới mong rằng làm “loãng” lượng giáo viên đang bất cập hiện nay.
“Làm thế nào chính sách đãi ngộ giáo viên tốt hơn, người giáo viên phải sống được bằng đồng lương của mình thì lúc bấy giờ người ta mới có thể tập trung làm hết lương tâm của mình”. GS Nhĩ khẳng định.
Chia sẻ suy nghĩ của mình, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho biết, không có bình luận gì về ý kiến nên hay không nên rút ngắn thời gian học phổ thông xuống còn 11 năm. Tuy nhiên, quan điểm cho rằng hiện nay chúng ta đang phổ cập THCS hết 9 năm (giáo dục bắt buộc) và sau đó sẽ phân hóa dần.
“Tôi nghĩ phân hóa bằng cách lựa chọn chủ đề học và gắn với định hướng nghề nghiệp, gắn với trường đại học sau này sẽ dạy cái gì”. Thứ trưởng Hiển nói. Cũng theo Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển, mục tiêu giáo dục của chúng ta từ trước tới nay vẫn coi trọng phát triển con người một cách toàn diện, nhưng toàn diện từ trước tới nay nhiều người nghĩ rằng nó giống nhau, không để ý rằng mỗi người có một năng lực, mỗi người có một hoàn cảnh, yếu tố khác nhau.
Thứ trưởng Hiển cũng khẳng định, ngoài yếu tố giáo viên, môi trường sư phạm thì việc phát triển con người phải theo yêu cầu của xã hội – con người xã hội và cá nhân hài hòa. Theo đó, kỹ năng cùng với yếu tố tâm lý phải trở thành năng lực để thực hiện nhiệm vụ, đó là mong muốn của mỗi học sinh thu lượm được gì sau khi lên lớp.
Nhiều khâu trong trường Sư phạm còn thiếu
Giáo viên là một trong những nhân tố quan trọng, then chốt để thực hiện đổi mới dạy và học, tiến tới đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục đào tạo.
Chia sẻ về quan điểm này, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cho biết, phải coi trọng và tạo động lực cho người học sư phạm, học xong sư phạm ra cơ bản đủ điều kiện làm nghề dạy học, nhưng làm sao để giáo viên tự đổi mới, nâng cao tay nghề, nâng cao trách nhiệm với nghề thì chúng ta đang còn thiếu điều kiện.
“Trong Đại hội Đảng cũng đã nói: “Chế độ của nhà giáo là chưa thỏa đáng”, đúng vậy, tiền có ít như vậy nhưng phải có cách trả lương như thế nào để khuyến khích những giáo viên tích cực (hiện nay chúng ta đang trả bình quân). Cần phải có cách đánh giá, bổ nhiệm, tuyển dụng như thế nào đó để xác định đúng năng lực”. Thứ trưởng Hiển nêu vấn đề thực trạng.
Ở góc nhìn với một người quản lí, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển thừa nhận hiện nay chúng ta vẫn nặng chuyện bằng cấp, bằng cấp là điều kiện tham gia tuyển dụng, là điều kiện để bổ nhiệm…, tuy nhiên lãnh đạo Bộ GD&ĐT khẳng định điều đó không quan trọng bằng năng lực cống hiến thực tế.
Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cũng đề nghị đối với giáo viên phải đánh giá năng lực thực tế, đánh giá năng lực thực tế của người dạy chứ không thể nặng về bằng cấp như hiện nay. Nhận định cho rằng, những năm qua chuyện xã hội coi trọng bằng cấp dẫn đến ngành giáo dục cũng chạy theo bằng cấp, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển thừa nhận và nói phải nghiêm túc khắc phục chuyện này.
Chia sẻ với những nhà giáo trẻ, lãnh đạo Bộ GD&ĐT nói tiếp, là nhà giáo phải được trải nghiệm, từ khi còn là sinh viên đã phải sống và gắn với cộng đồng, gắn với hoạt động xã hội, có trải nghiệm trong thực tế mới hiểu được hoàn cảnh của học sinh, lúc đó mới có trách nhiệm nghề nghiệp, có tình cảm với nghề.
Nói như vậy để thấy rằng, chương trình đào tạo ở trường sư phạm cần được đổi mới để bắt kịp với xu thế và tình hình thực tế hiện nay.
Theo đó, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển đề nghị các trường Sư phạm cần tăng lượng đào tạo nghiệp vụ lên khoảng 35-40% chương trình đào tạo như: sinh viên được rèn luyện nghiệp vụ sư phạm ở trường phổ thông, vì thực tế khâu bồi dưỡng giáo viên cho hệ thống GDTX ở các trường Sư phạm hiện nay gần như bằng không.
Ngoài ra, năng lực đánh giá, kỹ thuật đánh giá học sinh phải được đào tạo trong các trường Sư phạm nhiều hơn. Năng lực phát triển chương trình nhà trường, hay nói cách khác là có chương trình thống nhất cho các vùng miền, phù hợp với từng vùng, phù hợp với từng trường. Vấn đề này trực tiếp là giáo viên phải xây dựng chương trình giáo dục, và những kỹ năng này trường Sư phạm cũng phải đào tạo.
“Một điều còn băn khoăn, vậy phải đào tạo giáo viên như thế nào? Tôi cho rằng, nếu muốn xã hội học tập suốt đời trước hết các thầy cô giáo phải học tập suốt đời, nhà trường phải là một xã hội học tập nhỏ. Khi đổi mới chương trình SGK thì giáo viên phải được đào tạo bổ sung hoặc đào tạo lại để đáp ứng với chương trình SGK” Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển khẳng định.