Sẽ triển khai đại trà phương pháp “Bàn tay nặn bột” bậc THCS
Phương pháp này được nghiên cứu theo mô hình giảng dạy của Pháp, gồm 13 hoạt động được chia thành 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 từ 2011-2013, triển khai thí điểm tại 8 tỉnh, thành: Hà Nội, Hải Phòng, Hòa Bình, Hà Giang, Thưa Thiên-Huế, Bình Định, Đắk Lắk và Cà Mau tại 120 trường THCS. Giai đoạn 2 từ 2014-2015 sẽ thực hiện đại trà ở các trường THCS trên toàn quốc ở 3 môn: Vật lý, Hóa học và Sinh học.
Phương pháp giảng dạy BTNB được thực hiện theo cách thức học sinh được chia nhóm lớp học, cùng bàn thảo về một chủ đề và được thực hành nhiều hơn. Giáo viên sẽ là trung tâm hướng dẫn cách học cho học sinh và chuẩn bị vật liệu thí nghiệm để các em thực hành. Phương pháp này sẽ giúp giáo viên và học sinh năng động hơn trong cách giảng dạy-học tập.
Bộ GD-ĐT đang tập hợp ý kiến đóng góp và kiến nghị của các Sở GD-ĐT, giáo viên trực tiếp giảng dạy thí điểm theo phương pháp BTNB ở 8 tỉnh, thành để có những thay đổi, cải tiến nhằm đưa phương pháp này áp dụng đại trà trên toàn quốc từ năm học 2014-2015.
Trước tiên, Bộ GD-ĐT sẽ tổ chức tập huấn cho giáo viên cũng như nghiên cứu thay đổi chương trình sách giáo khoa sao cho phù hợp với phương pháp giảng dạy mới này.
Được biết, từ năm 2011 đến nay, Bộ GD-ĐT đã tập huấn giảng dạy theo phương pháp BTNB cho 114 giáo viên/tỉnh. Theo đánh giá của Bộ GD-ĐT, trong quá trình thí điểm, đa số giáo viên, phụ huynh và học sinh đều đánh giá cao phương pháp giảng dạy mới này vì đem lại cách thức học tập chủ động cho học sinh và nâng cao chất lượng giảng dạy của giáo viên.
Tuy nhiên, tại một số tỉnh, thành có điều kiện kinh tế khó khăn, phương pháp mới này được cho là khó được thực hiện vì cơ sở vật chất trường học còn thiếu thốn, trình độ giảng dạy giáo viên không được đồng đều, khả năng học tập, tiếp thu của học sinh còn có sự chênh lệch.