Phát triển giáo dục Nhà trường phổ thông: Nâng cao năng lực của học sinh
Chiều 21/10/2013, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam tổ chức Hội thảo Thí điểm Đề án phát triển chương trình giáo dục Nhà trường phổ thông tại trường PTCS và THPT Thực nghiệm.
Đề án này sẽ góp phần chuẩn bị cho đổi mới Chương trình và sách giáo khoa phổ thông sau năm 2015.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Hoàng Yến, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam cho biết: Vấn đề phát triển chương trình nhà trường đã được tiến hành ở nhiều quốc gia, thực hiện sự phân cấp trong phát triển chương trình, tăng cường tính dân chủ. Trong 2013, Bộ GD-ĐT đã có công văn hướng dẫn 791/HD-BGDĐT về Thí điểm phát triển chương trình giáo dục nhà trường theo định hướng phát triển năng lực HS góp phần cho đổi mới Chương trình và SGK phổ thông sau năm 2015. Hiện nay các trường THCS và THPT Thực nghiệm đã và đang triển khai phát triển chương trình nhà trường (CTNT).
Phát triển CTNT là quá trình cụ thể hóa làm chương trình chung quốc gia phù hợp với thực tiễn của địa phương trên cơ sở đảm bảo yêu cầu chung của Chương trình quốc gia; Lựa chọn xây dựng nội dung và xác định cách thức thực hiện phản ánh đặc trưng và phù hợp với thực tiễn nhà trường nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển của người học, thực hiện có hiệu quả mục tiêu giáo dục.
Mô hình trường học mới VNEN bước đầu đã phát triển được năng lực cá nhân của học sinh.
Theo đó các nhà trường đã thực hiện 4 nhiệm vụ: Xây dựng kế hoạch thí điểm phát triển Chương trình Giáo dục nhà trường phổ thông; Điều chỉnh cấu trúc nội dung dạy học và xây dựng kế hoạch giáo dục trong từng môn học; Đổi mới phương pháp và hình thức tổ chức giáo dục; Đổi mới kiểm tra đánh giá.
Trường PTCS Thực nghiệm hoạt động dưới sự quản lý của Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, là trường liên cấp gồm: Tiểu học và THCS. Trong nhà trường cùng một lúc triển khai 2 chương trình: chương trình của Bộ GD-ĐT và chương trình của Trung tâm nghiên cứu Công nghệ giáo dục (bậc Tiểu học).
Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam đánh giá, sau một thời gian dài thực hiện chương trình Công nghệ giáo dục, trường PTCS Thực nghiệm có nhiều kinh nghiệm để vận dụng vào quá trình thí điểm phát triển chương trình giáo dục.
Còn với trường THPT Thực nghiệm vừa thực hiện chức năng giáo dục của trường THPT vừa tham gia nghiên cứu khoa học nên cũng được chọn thí điểm Đề án phát triển chương trình giáo dục Nhà trường phổ thông.
Theo đó, bắt đầu từ năm học 2013-2014, trường PTCS và THPT Thực nghiệm bắt đầu thực hiện Đề án. Nhằm phát huy tốt năng lực người học, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam nhận thấy, trước tiên cần phát huy năng lực người quản lý, phương pháp và kỹ năng giảng dạy của giáo viên. Những kỹ năng này được phát huy tốt nhất nếu nhà trường có sự tự chủ cao hơn, được trao quyền và chịu trách nhiệm nhiều hơn.
Để thực hiện thí điểm đề án, giáo viên của trường PTCS và THPT Thực nghiệm đã được tập huấn, đào tạo để chọn lọc phương pháp giảng dạy phù hợp cho từng loại bài dạy để đạt được mục tiêu đề ra.
Trường PTCS và THPT Thực nghiệm đã bước đầu sắp xếp lại nội dung dạy học của từng môn, chuyển một số nội dung dạy học thành nội dung các hoạt động giáo dục phù hợp với đối tượng học sinh. Một số mộ học đã được giảng dạy theo hình thức liên môn như: Văn học, văn hóa và cuộc sống; Chủ đề môi trường, rác thải, năng lượng tái tạo…
Bên cạnh đó, nhà trường cũng chú trọng đến đổi mới kiểm tra, đánh giá kết quả giảng dạy, học tập của giáo viên và học sinh thông qua những đợt khảo sát nghiêm túc.
Riêng đối với trường THPT Thực nghiệm đã xây dựng kế hoạch dạy học mới. Theo đó, mỗi lớp đều học 6 buổi sáng và ít nhất 2 buổi chiều/tuần. Mỗi học sinh đăng ký học phân hóa 3 trong 5 môn: Toán, Lý, Hóa, Văn, Anh và có thể tự chọn học phân hóa 2 trong 5 môn đã nêu. Ngoài ra còn có một số buổi tổ chức hoạt động ngoại khóa hoặc các câu lạc bộ.
Về Đề án phát triển chương trình giáo dục Nhà trường phổ thông, PGS Đỗ Ngọc Thống, Thường trực ban soạn thảo Đề án Đổi mới chương trình, SGK phổ thông sau 2015 của Bộ GD-ĐT cho biết: “Các nước trên thế giới vận dụng chương trình quốc gia rất linh hoạt theo 3 cấp chính, từ chương trình quốc gia, chương trình ban và chương trình nhà trường. Và chỉ có chương trình nhà trường mới sát thực nhất với thực tế, từ đối tượng giáo dục, cơ sở vật chất, năng lực giáo viên… Chương trình nhà trường là điều phù hợp nhất với thực tế.”
Trước mắt, để rút kinh nghiệm cho tốt, Bộ GD-ĐT đang triển khai ở 8 trường. 8 trường này gắn với các ĐH Sư phạm, bao gồm Trường Thực hành Sư phạm Thái Nguyên, trường vùng cao Việt Bắc, trường thực hành Nguyễn Tất Thành (ĐH Sư phạm 1), trường khối chuyên của ĐH Sư phạm Vinh, trường ĐH Sư phạm TP HCM và trường ĐH Sư phạm Cần Thơ.
Việc làm này nhằm đạt 2 mục đích, thứ nhất là đưa các trường ĐH Sư phạm “vào cuộc” sớm để chuyển biến trong chương trình; thứ 2 là họ có đội ngũ chuyên gia nhằm tư vấn cho các nhà trường phổ thông về khoa học cơ bản và khoa học phương pháp.
“Hiện nay mới triển khai nhưng các nhà trường hết sức ủng hộ. Chúng tôi nhận thấy chương trình này hết sức khả thi, vì nó trao quyền tự chủ cho giáo viên và nhà trường để đạt mục tiêu giáo dục mà có hiệu quả cao” – PGS Đỗ Ngọc Thống khẳng định.