Posted on / Tin giáo dục

Giúp học sinh vượt qua bỡ ngỡ thí nghiệm Vật lý

Theo cô Lê Thị Bích Hạnh – Giáo viên tại Trường THCS An Ngãi Trung (Bến Tre), học sinh lớp 6 thường rất bỡ ngỡ với phương pháp thí nghiệm của môn Vật lý vì mới bắt đầu học bộ môn này.
Cô Lê Thị Bích Hạnh cho biết: Vốn kiến thức Vật lý của học sinh lớp 6 có được từ việc quan sát từ sự vật, hiện tượng tự nhiên rất phong phú nhưng lại rời rạc, các em chưa biết cách khái quát thành bài học.
Bên cạnh đó, học sinh thường hay lúng túng trong cách sử dụng các dụng cụ đo đạc, phương pháp đo đạc, phương pháp thí nghiệm và chưa có kỹ năng quan sát, thu thập, xử lí thông tin khi làm thí nghiệm.
Đặc biệt chưa biết cách vận dụng kiến thức môn học vào việc giải thích những vấn đề cuộc sống.
vượt qua bỡ ngỡ thí nghiệm vật lý

Để khắc phục hiện trạng trên, cô Hạnh gợi ý:

Ngay từ đầu năm học, tổ chức học sinh trong mỗi lớp thành các nhóm làm thí nghiệm, trong mỗi nhóm có sự phân công minh bạch.
Căn cứ nội dung chương trình với chuẩn kiến thức kĩ năng môn Vật lý lớp 6 và các điều kiện dạy học cụ thể để xác định thời điểm thực hiện các thí nghiệm trong kế dạy và học
Rà soát lại những thiết bị, đồ dùng dạy học bộ môn Vật lý giúp cho việc thực hiện các thí nghiệm vật lý để kịp thời bổ sung ngay từ đầu năm học.
Xây dựng trước trong kế hoạch bài giảng hệ thống câu hỏi tạo tình huống thực tế từng bài dựa trên những hiểu biết của học sinh và từ những gợi ý dẫn đến việc thực hiện các thí nghiệm ở các bài dạy, đồng thời chuẩn bị sẵn những ví dụ cho các thực tế đó.

Xây dựng phương án thí nghiệm

Hướng dẫn học sinh cách xây dựng phương pháp thí nghiệm, cuối mỗi tiết học vật lý, cô Hạnh đều yêu cầu bài tập về nhà cho học sinh, gồm học bài cũ, vận dụng 1 đến 2 bài tập và chuẩn bị bài mới.
Phần chuẩn bị cho bài mới là khâu vô cùng quan trọng, nó góp phần đem lại thành công cho mỗi tiết dạy.
Theo kế hoạch bài dạy, cô Hạnh phát phiếu giao việc hướng dẫn cho các nhóm học sinh chuẩn bị xây dựng phương pháp thí nghiệm.
Nội dung phiếu giao việc được giao dưới dạng các câu hỏi mà khi trả lời đòi hỏi học sinh phải tập trung tìm hiểu, nghiên cứu thông tin kênh truyền hình, kênh chữ trong sách giáo khoa của từng bài.
Đây không chỉ cung cấp một lượng thông tin về kiến thức mà còn truyền tải một phương pháp học tập phong phú, đồng thời rèn các kỹ năng cần thiết như sử dụng, lắp ráp dụng cụ đo lường, quan sát hình ảnh, quan sát hiện tượng vật lý để thu thập và xử lý thông tin khoa học, kỹ năng dự đoán và kết luận, những tranh luận xảy ra trong nhóm về phương án phải thực hiện, qui trình các bước tiến hành thực nghiệm
Cô Hạnh cho biết, thông thường học sinh bám vào bài học ở sách giáo khoa để lập phương án thí nghiệm là đạt yêu cầu, tuy nhiên nên khuyến khích các em sáng tạo những phương án khác để đạt điểm cao hơn.

Yêu cầu báo cáo phương án thí nghiệm

Trước khi thực hiện thí nghiệm trên lớp, cô Hạnh yêu cầu đại diện mỗi nhóm báo cáo phương án của nhóm mình đã chuẩn bị, cả lớp thảo luận,thống nhất. Phần trình bày này được đánh giá bằng điểm cho nhóm.
Lựa chọn những bài có thể dạy bằng các phương tiện công nghệ thông tin để tập trung khai thác nhằm đẩy mạnh việc đổi mới phương pháp dạy học theo chủ đề năm học. Sưu tầm trên internet những tư liệu minh họa cho các bài dạy trong chương trình.
 

Vận dụng kiến thức bài học để giải thích hiện tượng thực tế

Dựa vào nội dung kiến thức bài học, trình độ hiểu biết của học sinh và kết hợp với những hiện tượng vật lý học sinh thường gặp trong đời sống giáo viên dự kiến trước những hiện tượng hay tình huống để yêu cầu học sinh tìm lời giải thích sau mỗi bài.

Những kỹ năng cơ bản được chọn lọc để rèn luyện cho học sinh thông qua các giải pháp đã thực hiện gồm:

Rèn kĩ năng quan sát hiện tượng vật lý để thu thập thông tin. Để rèn kỹ năng quan sát các hiện tượng vật lý, cô Hạnh xây dựng hệ thống câu hỏi tạo tình huống cho từng bài cho chương trình vật lý lớp 6, các câu hỏi tình huống được lựa chọn từ những hiểu biết trong thực tế của học sinh.
Rất nhiều kiến thức Vật lý có được từ quan sát trực tiếp sự vật, hiện tượng tự nhiên, nên việc rèn cho học dựa vào hệ thống câu hỏi gây tình huống đã chuẩn bị trong kế hoạch giảng dạy bộ môn, tạo những bất ngờ, lôi cuốn học sinh vào vấn đề của bài học.
Dùng hệ thống câu hỏi tình huống đã chuẩn bị đưa vào phiếu giao việc để hướng dẫn học sinh xây dựng các phương án thí nghiệm trước khi thực hiện thí nghiệm một tuần.
Rèn các kĩ năng sử dụng, lắp ráp dụng cụ đo lường: Trong Vật lý cũng như trong đời sống, việc sử dụng dụng cụ đo lường học sinh gặp thường xuyên, do đó khi bắt đầu học vật lý việc dạy cho các em biết sử dụng dụng cụ và đọc kết quả đo lường qua các dụng cụ là hết sức quan trọng, đây có thể xem như tiền đề để các em làm thí nghiệm vật lý.
Vì vậy ngay từ khi các em bắt đầu học Vật lý, cô Hạnh cho biết thường xuyên chú ý rèn các em cách sử dụng, lắp ráp các dụng cụ đo lường trong giờ học.
Đối với bất kỳ dụng cụ nào cho học sinh sử dụng giáo viên đều phải hướng dẫn kỹ về đặc điểm và các sử dụng của nó nhất là việc cầm nắm dụng cụ, tư thế đứng hoặc ngồi khi đo, đọc số đo…
Khi tiến hành lắp ráp các thí nghiệm giáo viên cần chỉ ra và phân tích qui trình lắp ráp cho học sinh hiểu, đồng thời phải giải thích tác dụng của các bộ phận,các chi tiết, đặc biệt đối với các chi tiết thể hiện kết quả của thí nghiệm phải được tường minh.

Rèn kĩ năng phân tích, xử lí thông tin từ thí nghiệm

Các thông tin ghi nhận được từ thí nghiệm hoặc quan sát hiện tượng vật lý là kết quả của một quá trình lao động, tư duy sáng tạo của học sinh, các thông tin này thường không giống nhau cho toàn bộ lớp học mà phụ thuộc vào từng thí nghiệm, từng điều kiện diễn ra cụ thể, có thể cùng một hiện tượng vật lý nhưng các nhóm khác nhau sẽ thu nhận thông tin cách khác nhau.
Vì vậy giáo viên phải rèn luyện cho học sinh cách chọn lọc, thu thập, xử lí thông tin theo nội dung bài một cách thận trọng.
Điều quan trọng trong xử lý thông tin thí nghiệm hoặc quan sát hiện tượng vật lý là phải giải thích được các sai số của các phép đo trong khi làm thí nghiệm, khi học sinh tìm hiểu sai số cũng là tìm hiểu hiện tượng một các chi tiết, điều nầy rất có lợi trong phương pháp học tập bộ môn.
Cần tập cho học sinh thói quen ghi kết quả thí nghiệm vào bảng thống kê dù thí nghiệm đơn giản cũng không nên bỏ qua bảng thống kê, thí nghiệm phải được thực hiện và ghi kết quả ít nhất 3 lần để đạt độ tin cậy khi đối chiếu kết quả.

Rèn kĩ năng giải thích các hiện tượng vật lý thực tế

Dựa vào những tình huống đã chuẩn bị sẵn trong kế hoạch giảng dạy để giao việc cho học sinh. Cũng có thể yêu cầu học sinh chỉ ra những tình huống hay hiện tượng mà các em nhận thấy có liên quan đến nội dung kiến thức vừa học để cùng nhau giải thích làm rõ bản chất khoa học của nó.
Tạo điều kiện cho từng cá nhân vận dụng kiến thức đã học để giải thích, góp phần củng cố kiến thức, tăng cường tính bền vững và độ sâu của kiến thức, rèn luyện năng lực tư duy của học sinh.
Hải Bình – giaoducthoidai.vn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *